Sau ba năm, Pi Network vẫn chưa hoàn thiện, việc giao dịch có thể vi phạm pháp luật, nhưng nhiều người vẫn “đào” và kỳ vọng Pi giá nghìn USD.
Mong muốn sở hữu tiền điện tử ‘miễn phí’
Với các tiền điện tử phổ biến như Bitcoin, Ethereum, người muốn sở hữu phải bỏ tiền mua hoặc đào qua thiết bị chuyên dụng, đồng Pi lại được “tặng” cho người dùng thông qua ứng dụng di động. Sau khi cài Pi network và tạo tài khoản, số Pi của người dùng tự động tăng lên, với điều kiện họ vào app và bấm điểm danh sau mỗi 24 giờ. Lượng Pi được tặng sẽ cao hơn nếu họ có thể rủ thêm người khác tham gia mạng lưới.
Nhiều người gọi cách này là đào tiền điện tử miễn phí, bởi mỗi ngày chỉ phải thao tác vài giây là có tiền điện tử trong ví. Sách trắng của dự án cũng ẩn ý việc “đào” Pi trên điện thoại là sự khác biệt của dự án so với các tiền điện tử trước đây.
“Trước đây 10.000 Bitcoin mới đổi được hai chiếc bánh pizza, còn nay cả chục nghìn USD cũng chẳng mua được một Bitcoin. Thế nên phải tranh thủ cơ hội khi Pi còn miễn phí”, Đức Nam, một người đào Pi, chia sẻ. Nam đã tham gia dự án gần hai năm, có giai đoạn mất hàng tuần để hoàn thiện hồ sơ và rủ bạn bè cùng tham gia. Đến nay, dù chưa sử dụng tiền ảo này vào việc gì, anh vẫn hàng ngày truy cập ứng dụng vì nghĩ rằng “không mất gì”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Pi không hoàn toàn miễn phí. Thứ mà người dùng phải đánh đổi là thời gian, tài nguyên điện thoại và nguy cơ mất dữ liệu cá nhân. Ở chế độ mặc định, mỗi khi vào “điểm danh”, Pi phát một đoạn quảng cáo dài 60 giây và buộc người dùng phải xem hết, dù sau đó họ có thể tắt quảng cáo này trong cài đặt.
Hồi giữa năm 2021, nhiều chuyên gia bảo mật phát hiện ứng dụng này lưu trữ danh bạ người dùng ngay cả khi đã xóa tài khoản. Ngoài ra, để có thể sử dụng, người dùng cần thực hiện xác minh danh tính (KYC). Thao tác này yêu cầu gửi ảnh chân dung và căn cước công dân. Để xác minh số điện thoại, người dùng cần soạn tin nhắn đến một đầu số tại Mỹ, với mức phí 2.500 đồng mỗi lần. Nhiều người muốn “đào” Pi nhanh đã đầu tư những dàn máy tinh tram triệu đồng để chạy node cho mạng lưới.
Kỳ vọng Pi có giá hàng nghìn USD
Khác với các loại tiền mã hóa vốn có giá trị phụ thuộc vào nguồn tiền đổ vào thị trường, giá trị của Pi hiện dựa trên giá đồng thuận. Người mua và bán tự quy ước với nhau về giá trị của Pi và thanh toán cho hàng hóa bằng số Pi tương ứng.
Do không có quy luật cụ thể, trên các cộng đồng Pi tại Việt Nam, nhiều người đề xuất những con số từ dưới một USD cho đến cả chục nghìn USD. Khi những thông tin dạng này liên tục xuất hiện, không ít người kỳ vọng “biết đâu có thể đổi đời” nhờ sở hữu hàng nghìn Pi, hay kiếm được cả nghìn USD mỗi ngày nhờ điểm danh và nhận đồng Pi trên ứng dụng.
Trong tài liệu hướng dẫn, dự án Pi Network cho biết người nắm giữ Pi sẽ có hai cách kiếm tiền, là dùng Pi để mua hàng hoặc đổi Pi lấy tiền pháp định. Sau ngày 13/7 khi dự án vào giai đoạn khởi chạy chính thức, một số người dùng Việt Nam đã khoe mua máy tính, điện thoại… bằng Pi.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền ảo để thanh toán hàng hóa là vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Pi hiện cũng chưa niêm yết trên các sàn, nên chưa thể giao dịch như các loại tiền điện tử khác.
Động thái ‘câu giờ’ của dự án
Theo kế hoạch được công bố ban đầu, Pi Network cho biết bắt đầu thử nghiệm giao dịch Pi vào quý IV/2019. Thực tế sau gần ba năm, một lượng nhỏ người dùng mới thực hiện được việc này.
Trong quá trình đó, không ít người đã rời bỏ dự án. Một “người tiên phong” đào Pi tại Việt Nam cho biết trong mạng lưới khoảng 500 người mà anh mời tham gia, 90% từ bỏ vì không chờ đợi được. Tuy nhiên, vẫn còn một số người duy trì việc điểm danh hàng ngày vì tin vào những động thái “câu giờ” mà Pi Network đưa ra.
Ví dụ, hồi đầu năm 2021, đội ngũ phát triển khẳng định khởi chạy mạng chính thức (mainnet) vào cuối năm để người dùng có thể giao dịch. Đến 28/12/2021, nhóm công bố “mainnet”, nhưng thực tế không có bất cứ thay đổi nào ngoài việc thêm ví Pi Mainnet với số dư bằng 0. Nhóm tiếp tục trì hoãn bằng cách chia hai giai đoạn “mainnet kín” và “mainet mở”, dự kiến diễn ra vào ngày số Pi (14/3) hoặc 2Pi (28/6). Đến cuối tháng 6, “mainnet kín” mới được tiến hành, và người dùng tiếp tục được yêu cầu chờ tiếp thêm 14 ngày để “di chuyển Pi lên mạng lưới”.
Theo thống kê trên Google Trends và bảng xếp hạng ứng dụng trên App Store, Google Play, vào mỗi giai đoạn dự án này hứa hẹn, lượng tìm kiếm và tải về ứng dụng Pi Network, Pi Browser lại tăng vọt, sau đó giảm dần.
Một trong những yêu cầu khác của Pi Network là người dùng phải KYC. Mặc dù khẳng định có thể KYC cho 90.000 người mỗi ngày, sau gần nửa năm, Pi Network mới KYC được 1,5 triệu người, theo công bố của nhà sáng lập hôm 28/6. Phần lớn người dùng còn lại vẫn chưa được KYC và chưa thể sử dụng số Pi của mình cho bất cứ việc gì.
Theo nguồn sưu tầm.