Đa số ai trong chúng ta cũng có thói quen tò mò về các mối quan hệ xung quanh dẫn đến ham muốn đọc trộm tin nhắn Zalo. Liệu rằng việc đọc trộm tin nhắn có bị phạt hay không?
Vượt mặt Facebook Messenger, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin được nhiều người yêu thích nhất tại Việt Nam. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi nền tảng này luôn là miếng mồi béo bở đối với tin tặc.
Những cách đọc trộm tin nhắn Zalo
Ngoài việc sử dụng phần mềm theo dõi để đọc trộm tin nhắn Zalo, người khác còn có thể nhìn vào màn hình và đọc trộm nội dung khi bạn đang soạn tin nhắn, đánh cắp tài khoản và đăng nhập trên một thiết bị khác (máy tính, điện thoại…).
Dù không thể đăng nhập tài khoản Zalo cùng lúc trên 2 thiết bị di động, nhưng kẻ gian có thể đăng nhập Zalo của bạn trên máy tính hoặc trình duyệt.
Cách kiểm tra tin nhắn Zalo có đang bị đọc trộm hay không
– Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy cập nhật ứng dụng Zalo trên điện thoại lên phiên bản mới nhất thông qua Google Play hoặc App Store, sau đó đăng nhập bằng tài khoản tương ứng.
– Bước 2: Tiếp theo, người dùng chỉ cần chuyển sang mục Cá nhân – Tài khoản và bảo mật – Quản lý các thiết bị đăng nhập.
– Bước 3: Tại đây, bạn có thể kiểm tra danh sách các thiết bị đang đăng nhập tài khoản Zalo. Nếu thấy xuất hiện thiết bị lạ, người dùng chỉ cần chạm vào đó và chọn Báo xấu, sau đó nhấn Đăng xuất.
Đăng xuất tài khoản Zalo khỏi các thiết bị lạ.
– Bước 4: Sau khi đăng xuất thành công, bạn nên đổi lại mật khẩu và kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp trên Zalo để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp bị người khác xâm nhập tài khoản trong tương lai.
Lưu ý, để hạn chế việc bị đọc trộm tin nhắn Zalo trong tương lai, bạn không nên cho người khác mượn điện thoại vì họ có thể quét mã QR để đăng nhập Zalo của bạn trên máy tính.
Trước đó không lâu, Kỷ Nguyên Số cũng đã từng cảnh báo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn Zalo, bạn đọc nên cẩn thận để tránh mất tiền oan uổng.
Đa số các dịch vụ này đều quảng cáo với nội dung tương tự như nhau, đơn cử như: “Hỗ trợ đọc trộm tin nhắn Zalo, Facebook, lấy lại tài khoản, xong mới thanh toán, không đặt cọc trước”. Tuy nhiên, khi thử liên lạc với một tài khoản nhận làm dịch vụ, người này cho biết phí dịch vụ là 500.000 đồng và phải chuyển khoản trước mới “chốt đơn”.
Rất nhiều dịch vụ, hội nhóm hỗ trợ đọc trộm tin nhắn Zalo.
Ngoài ra, kẻ gian còn gửi hình một số đoạn chat của người khác với nội dung đã chuyển khoản, hài lòng về dịch vụ, phản hồi tốt… để tạo lòng tin nơi bạn.
Và tất nhiên là nếu bạn đặt cọc hoặc chuyển khoản trước, ngay lập tức kẻ gian sẽ “biến mất” bằng cách chặn hoàn toàn tài khoản Facebook, Zalo của bạn. Thông thường, nạn nhân cũng sẽ không dám chia sẻ thông tin về việc bị lừa đảo chỉ vì muốn đọc trộm tin nhắn Zalo, do đó đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Đọc trộm tin nhắn Zalo có bị phạt hay không?
Lưu ý, việc đọc trộm tin nhắn của các thành viên trong gia đình (chồng đọc của vợ hoặc ngược lại), sau đó phát tán nội dung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt lên đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu xét theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị phạt đến 50 triệu đồng hoặc cao nhất là ở tù 3 năm.
Hy vọng những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp sẽ giúp bạn đọc biết cách kiểm tra và bảo mật tài khoản Zalo đúng cách.
Theo nguồn sưu tầm.