Vũ Khánh (Vũng Tàu) nhận được liên tiếp ba tin nhắn dụ đưa cụm mật khẩu thì sẽ được “hack” giúp 10.000 Pi vào trong ví.
“Gửi cho tôi cụm mật khẩu ví Pi, tôi sẽ hack hộ bạn 10.000 Pi miễn phí”, anh Khánh nhận được đề nghị từ một tài khoản Facebook Messenger. Hai phút sau, anh tiếp tục nhận tin nhắn tương tự từ hai người lạ khác.
Nghi ngờ lừa đảo, anh đăng lên một nhóm về tiền số Pi có hơn 100.000 thành viên. Dưới phần bình luận, một số người cho biết cũng nhận được tin nhắn như vậy, số ít thậm chí đã làm theo yêu cầu.
“Tôi tò mò không rõ họ có hack được hay không nên đã đưa cụm từ khóa ví 12 ký tự. Trong ví này chưa có tiền nên tôi không lo”, tài khoản Van Nguyen nói. “Nhưng không có đồng Pi nào được trả về cả”.
“Cụm mật khẩu” chính là mã khóa ví, còn gọi là cụm “hạt giống”, thường gồm 12 hoặc tối đa 24 ký tự tùy chọn. Chỉ khi sắp xếp đúng, ví mới được mở khóa. Khác với mật khẩu hoặc mã PIN, người dùng không thể đặt lại hoặc khôi phục khóa của mình nếu bị mất dưới bất kỳ hình thức nào. Do vậy, việc giữ khóa an toàn và bảo mật rất quan trọng, vì mất chúng đồng nghĩa mất quyền truy cập vào tất cả các tài sản kỹ thuật số được lưu trữ trong ví đó.
Pi Network hiện khởi chạy mạng chính thức (mainnet) “kín”, do đó người chơi có thể chuyển Pi cho nhau qua ví trên ứng dụng từ giữa tháng 7. Còn trước đó, mạng này chỉ cung cấp ví dạng testnet, tức giao dịch thử nghiệm một lượng Pi nhất định và không có giá trị.
Theo Lê Thành, quản trị viên một nhóm Pi Network có hơn 50.000 thành viên, lợi dụng một số người đã nhận được Pi về ví, kẻ gian đang tìm cách đánh cắp chúng dưới chiêu trò “hack giùm”. “Thực chất, kẻ xấu muốn chiếm ví Pi của người dùng, sau đó chuyển hết số Pi nếu có sang ví khác”, anh Thành giải thích. “Hoặc chúng cũng có thể chiếm ví trước, sau đó đợi tiền số Pi về ví để chiếm dụng”.
Theo anh, nếu lỡ cung cấp khóa ví cho kẻ gian, có hai trường hợp xảy ra. Nếu ví đã có Pi, người dùng nên nhanh chóng chuyển toàn bộ Pi sang một ví khác chưa bị lộ. Còn nếu trong ví chưa có Pi, tốt nhất nên khởi tạo một ví mới hoàn toàn.
Thực tế, chiêu lừa đánh cắp mật khẩu ví khá phổ biến trong lĩnh vực tiền điện tử. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên ghi cụm từ ra giấy và cất giữ cẩn thận. Một số có thói quen lưu trên trình duyệt, nền tảng đám mây hoặc trên máy tính, nhưng sẽ đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp nếu chẳng may bị hacker tấn công.
Hiện nay, tiền ảo Pi chưa có giá trị cụ thể và cộng đồng này chủ yếu định giá Pi dựa trên sự “đồng thuận”, tức người mua và bán tự quy ước với nhau về giá trị của Pi và trao đổi hàng hóa tương ứng. Thời gian gần đây, một số cũng khoe đã mua được hàng hóa bằng Pi, dù giao dịch bằng tiền ảo tại Việt Nam chưa được pháp luật công nhận.
Pi Network rộ lên từ năm 2019, được quảng cáo là “sở hữu tiền ảo mà không mất gì”. Người dùng sau khi tải ứng dụng, mỗi ngày sẽ vào bấm điểm danh để nhận Pi. Ứng dụng từng nhiều lần nằm trong danh sách tải nhiều tại Việt Nam. Theo công bố hồi cuối tháng 6, dự án có hơn 35 triệu người dùng trên toàn cầu.
Theo nguồn sưu tầm.