LITHUANIA KÊU GỌI NGƯỜI DÂN KHÔNG DÙNG SMARTPHONE TRUNG QUỐC.
Bộ Quốc phòng Lithuania khuyến nghị người dân không nên sử dụng smartphone từ các thương hiệu Trung Quốc do lo ngại về bảo mật và dữ liệu.
Theo Reuters, động thái được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Lithuania phát hiện nhiều thiết bị công nghệ đến từ Trung Quốc có tích hợp công cụ kiểm duyệt.
Giới chức Lithuania khuyến nghị người dân từ bỏ điện thoại Trung Quốc.
Cụ thể, Trung tâm An ninh mạng của Lithuania cho biết các smartphone cao cấp của Xiaomi được bán ở châu Âu có trang bị khả năng phát hiện các cụm từ chính trị nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Trung tâm An ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng Lithuania cũng cho biết thêm tính năng này trên smartphone Mi 10T 5G của Xiaomi đang bị tắt tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Xiaomi vẫn có thể bật tính năng này từ xa.
“Chúng tôi khuyến nghị người dân không nên mua điện thoại mới của các công ty Trung Quốc, đồng thời loại bỏ những smartphone đã mua càng sớm càng tốt”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania Margiris Abukevicius cho biết.
Ngoài ra, báo cáo của Trung tâm Không gian mạng Quốc gia Lithuania đề cập điện thoại Xiaomi đang gửi dữ liệu người dùng được mã hóa đến một máy chủ ở Singapore. Lỗ hổng bảo mật tương tự cũng đã được phát hiện trong điện thoại P40 5G của Huawei. Tuy nhiên, smartphone của OnePlus, một nhà sản xuất khác đến từ Trung Quốc, lại không xuất hiện vấn đề này.
Về phần mình, đại diện của Huawei tại các nước Baltic đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc và cho biết smartphone của công ty không gửi dữ liệu người dùng ra bên ngoài.
Gần đây, mối quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc đang trở nên xấu hơn. Tháng trước, Trung Quốc đã yêu cầu Lithuania rút đại sứ của mình tại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ triệu hồi phái viên của mình tại thủ đô Vilnius (Lithuania) về nước liên quan đến tin tức ngoại giao tại đảo Đài Loan.
Tuần trước, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã trao đổi với Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte và nhấn mạnh sự ủng hộ đối với đất nước Bắc Âu này trước sức ép đến từ Trung Quốc.
Theo nguồn sưu tầm.