Sau những vụ lừa đảo qua điện thoại liên tục nhằm vào phụ huynh học sinh thời gian qua, PV Thanh Niên đã vào cuộc tìm hiểu thủ phạm lấy được thông tin của học sinh từ đâu.
Quá trình điều tra, tìm hiểu của Thanh Niên cho thấy danh sách tên, trường, lớp học sinh kèm theo số điện thoại và địa chỉ, nghề nghiệp của phụ huynh được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để mua bán, trao tay công khai trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng, người mua dễ dàng sở hữu danh sách này để phục vụ mục đích cá nhân.
“Chợ” mua bán thông tin
Hiện không quá khó khăn để tìm kiếm thông tin học sinh theo từng độ tuổi, sau đó liên hệ với phụ huynh để chào mời tham dự các buổi hội thảo, chương trình giáo dục, lớp kỹ năng. Trong vai giám đốc một công ty giáo dục, PV Thanh Niên đi tìm số điện thoại gia đình học sinh tiểu học địa bàn TP.HCM để chuẩn bị tuyển sinh cho các khóa học hè sắp đến.
Hội nhóm mua bán thông tin cá nhân học sinh các cấp tại TP.HCM và Hà Nội
Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội nhóm công khai mua bán dữ liệu học sinh, sinh viên. Điểm chung của các hội nhóm này là cam kết luôn có sẵn, có đủ mọi loại thông tin cá nhân của học sinh khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Người mua chỉ cần trả vài trăm nghìn đồng để sở hữu danh sách chứa hàng nghìn dữ liệu. Nhóm “Data giáo dục – Phụ huynh học sinh – sinh viên” trên Facebook có hơn 1.000 người theo dõi, rao bán công khai thông tin học sinh, phụ huynh thuộc các cấp học tại Hà Nội và TP.HCM. Tài khoản Duy Thanh đăng tải trong nhóm “ai cần data học sinh tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM thì inbox nhé”.
Chuyên gia an ninh mạng: Có 3 nguồn lộ thông tin cá nhân của học sinh
Ngày 18.3, chúng tôi vào nhóm “Data khách hàng tiềm năng” với 11.500 thành viên, thường xuyên đăng tải mua, bán đủ các loại thông tin dữ liệu của người dân từ trong đến ngoài nước. Tài khoản Ngũ Lợi đăng: “Cần data nóng nhiều lĩnh vực”, lập tức, bên dưới bài viết là hàng trăm tài khoản bình luận chào mời, trong đó có nhiều tài khoản rao bán data (dữ liệu – PV) học sinh, sinh viên. Tài khoản Cường Nguyễn rao: “Data học sinh mình có khu vực TP.HCM, còn khu vực Hà Nội thì mình có data sinh viên. Nhận lọc theo yêu cầu, độ tuổi, giới tính, chuyên lớp, ngành, trường, tên tuổi, địa chỉ phụ huynh…”. Tài khoản Mỹ Nhân đăng: “Mình đang mở lớp trẻ, dạy các môn kỹ năng và ngoại ngữ. Cần data phụ huynh khu vực TP.HCM. Bình luận hoặc liên hệ tin nhắn”.
Không chỉ vậy, nhóm này còn lập một nhóm chat cộng đồng với gần 600 thành viên tham gia, chuyên bàn bạc, trao đổi về mua bán dữ liệu cá nhân. Đến ngày 20.3, khi quay trở lại nhóm “Data khách hàng tiềm năng”, PV phát hiện nhóm đã tăng thêm gần 500 thành viên chỉ trong vài ngày. Hoạt động trao đổi mua bán dữ liệu học sinh, phụ huynh càng trở nên rầm rộ.
Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể bị phạt tù
Tương tự, nhóm “Mua bán trao đổi data khách hàng” với 3.000 thành viên hay nhóm “Chuyên trao đổi data chất lượng” với hơn 21.000 thành viên, mỗi tháng đăng khoảng 4.000 bài mua bán dữ liệu cá nhân, trong đó chiếm phần không nhỏ là thông tin học sinh mầm non, tiểu học. Tài khoản Linh Mai thường xuyên chào mời các loại dữ liệu cá nhân, lọc theo yêu cầu người mua. Hàng chục hội nhóm tương tự tồn tại, hoạt động trao đổi, mua bán dữ liệu cá nhân của người dân, học sinh rầm rộ trên Facebook.
Bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có hàng nghìn dữ liệu
Nhiều ngày tìm hiểu, PV Thanh Niên dễ dàng tiếp cận rất nhiều tài khoản chào mời mua đủ loại dữ liệu cá nhân học sinh, phụ huynh. Ngày 18.3, thông qua Facebook, tài khoản tên Nguyễn Quốc Ánh Chi chào mời PV mua các loại thông tin cá nhân và cam kết đáp ứng mọi yêu cầu. PV thử đưa ra yêu cầu là cần thông tin phụ huynh có con đang học tiểu học ở khu vực TP.HCM, Bình Dương và đang có nhu cầu học ngoại ngữ. Lập tức, người này chào bán hàng loạt danh sách chứa khoảng 300 thông tin học sinh lớp 1 của Trường tiểu học (Q.11, TP.HCM) và Trường tiểu học P.M (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) năm học 2022 – 2023 và báo giá 300.000 đồng. Người này cũng không quên “khuyến mãi” thêm khoảng 200 dữ liệu học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM và TP.Dĩ An (Bình Dương).
Dữ liệu học sinh của các trường được “nhá hàng” để chào mời
Trong gói dữ liệu học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học (Q.11) mà Nguyễn Quốc Ánh Chi cung cấp có chứa đầy đủ thông tin tên tuổi, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, lớp học của học sinh, kèm theo tên, số điện thoại của phụ huynh. Tương tự, một gói 700 dữ liệu cá nhân học sinh của Trường tiểu học T.V.O (Q.Tân Bình) do tài khoản tên Trần Khánh Băng cung cấp cũng có tên họ đầy đủ của học sinh, năm sinh cũng như số điện thoại, địa chỉ chi tiết của phụ huynh.
Lĩnh vực nào cũng có
Không chỉ học sinh mà dữ liệu thuộc tất cả các lĩnh vực khác đều được chào bán, muốn mua bao nhiêu cũng có. Điểm chung của các hội nhóm này là cam kết luôn có sẵn, có đủ mọi loại thông tin mà người mua muốn tìm kiếm. Từ những thông tin cơ bản như: số điện thoại, tên tuổi, quê quán, địa chỉ; đến những thông tin rất cá nhân như mối quan hệ, thành viên trong gia đình, hình ảnh chân dung, CCCD, mã số bảo hiểm, nghề nghiệp, sở hữu tài sản hoặc đang đầu tư dự án nào, thu nhập và nhu cầu thị hiếu… Để sở hữu những thông tin này, người mua chỉ cần trả vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Trong nhóm “Data khách hàng tiềm năng”, tài khoản Nguyễn Tuấn thường xuyên đăng: “Cần mua data vận chuyển; Cần data nữ mua hàng online (tức thông tin, dữ liệu của những người giới tính nữ thường xuyên mua hàng online)”. Đáp lại bài đăng, bên dưới luôn có hàng chục tài khoản chào hàng.
Bên cạnh đó, chỉ trong khoảng 1 giờ đăng bài có nội dung hỏi mua dữ liệu học sinh, sinh viên trong các hội nhóm nói trên, PV Thanh Niên được hơn 10 tài khoản tiếp cận chào hàng. “Mình có tầm 1.000 dữ liệu học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM, giá 700.000 đồng. Trong đây có tên, tuổi, địa chỉ, trường học của các bé và phụ huynh, bảo đảm mới trong năm học 2022 – 2023”, tài khoản Binh Tran đăng trong nhóm “Data khách hàng tiềm năng”.
Qua tìm hiểu, hầu hết dữ liệu, thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh được những người bán thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, tài khoản Trần Khánh Băng cho hay do am hiểu một số thủ thuật mạng máy tính, người này dễ dàng tải về các danh sách. Tuy nhiên, Trần Khánh Băng không tiết lộ cách thức cũng như nguồn dữ liệu để tải về vì sợ “mất chén cơm”. Tương tự, một tài khoản khác cho biết trao đổi qua lại dữ liệu với nhiều người khác sau đó bán cho những người có nhu cầu sở hữu. “Ví dụ như lĩnh vực tài chính, tôi mua từ sale của các ngân hàng tuồn ra. Về lĩnh vực du lịch, tôi mua từ các công ty du lịch. Lĩnh vực mua sắm, tôi mua từ các cửa hàng thời trang; lĩnh vực giáo dục thì tổng hợp từ trang web của phòng giáo dục, trường học”, người này kể… (còn tiếp).
Theo nguồn sưu tầm.