Hàng loạt trường đại học Mỹ cấm TikTok.

TikTok bị cấm trên tất cả máy tính, điện thoại và kết nối Wi-Fi của trường học giữa bối cảnh mạng xã hội Trung Quốc đối mặt với sự phản đối đến từ chính phủ Mỹ.
Các tài khoản TikTok do nhà trường quản lý cũng bị gỡ xuống.
Ngày càng nhiều trường đại học quyết định cấm sinh viên sử dụng TikTok trên các thiết bị trường học và truy cập vào mạng xã hội này bằng Wi-Fi trường. Động thái này được đưa ra sau khi 19 bang của Mỹ thông qua đề xuất cấm ứng dụng TikTok trên tất cả điện thoại và thiết bị khác thuộc sở hữu của chính phủ.
Những trường học nói không với TikTok
Theo CNN, đã có 26 học viện và đại học và trong hệ thống trường Đại học Georgia đã áp dụng quy định tương tự cho giáo viên và sinh viên trong khuôn viên trường.
Hiệu trưởng Sonny Perdue cho biết sinh viên và nhân viên trong trường vẫn có thể truy cập vào website của TikTok bằng máy tính hoặc điện thoại riêng. Họ cũng có thể xem những nội dung TikTok thuộc sở hữu của trường học, miễn là không truy cập vào thông tin cá nhân hoặc dữ liệu nhạy cảm của nhà trường.
Nói với AP, đại diện TikTok cho rằng đạo luật cấm là “nước cờ chính trị” và không cần thiết vì họ đang nỗ lực cải thiện bảo mật dữ liệu ở Mỹ. Nhiều trường học ở bang Georgia cũng sử dụng TikTok để chiêu sinh, kết nối với học viên và cộng đồng. Ít nhất 20 đại học công và cao đẳng ở bang này đã lập tài khoản TikTok. Trong số đó, đại học Valdosta State còn sở hữu đến 8 tài khoản khác nhau trên mạng xã hội chia sẻ video ngắn.
Mỹ ra nhiều đạo luật cấm TikTok do lo ngại mạng xã hội sẽ trở thành công cụ gián điệp của Trung Quốc.
Theo CNN, ở các trường học khác như Đại học Oklahoma, ứng dụng chia sẻ video ngắn này sẽ bị cấm trên máy tính và kết nối Wi-Fi của trường.
“Thể theo Chỉ thị năm 2022-2023 của chính phủ, toàn thể nhân viên, sinh viên trong trường đều không được truy cập app hay website TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của trường, bao gồm cả kết nối có dây và không dây”, Đại học Oklahoma viết trong email. Bên cạnh đó, những tài khoản TikTok thuộc quản lý của nhà trường cũng sẽ bị xóa, thay vào đó sẽ “sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác để thay thế”.
Theo Gizmodo, chỉ thị của Thống đốc Kevin Stitt của bang Oklahoma yêu cầu cấm TikTok trên toàn bộ kết nối mạng và thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ bao gồm điện thoại, máy tính hoặc bất kỳ thiết bị có kết nối Internet.
“Chúng tôi cần duy trì an ninh mạng của cơ quan chính phủ để bảo vệ cư dân bang Oklahoma. Chúng tôi sẽ không tiếp tay cho Trung Quốc thu thập thông tin quốc gia từ các cơ quan chính phủ”, Thống đốc bang khẳng định.
Mỹ liên tiếp ban hành lệnh cấm TikTok
Trong khi đó, Đại học Auburn, bang Alabama cũng bắt đầu cấm TikTok trên các thiết bị và kết nối Wi-Fi của trường vào tuần trước theo chỉ thị của Thống đốc Kay Ivey. Nói với CNN, đại diện trường cho biết họ sẽ không cấm TikTok trong toàn bộ khuôn viên trường học. Trên thực tế, sinh viên có thể vẫn có thể sử dụng TikTok trên thiết bị riêng với kết nối Internet riêng.
Không chỉ Oklahoma, Alabama, Georgia nhiều bang khác ở Mỹ như Maryland, Nam Dakota và Texas cũng công bố đạo luật cấm TikTok dành cho nhân viên công chức và các thiết bị thuộc chính phủ.
Động thái này được đưa ra khi ứng dụng video dạng ngắn phổ biến đang đối mặt với sự phản đối và giám sát chặt chẽ ngày càng tăng đến từ chính quyền, các nhà làm luật tại Mỹ. Họ lo ngại TikTok mang những rủi ro về an ninh quốc gia vì mối quan hệ với ByteDance, công ty mẹ có trụ sở ở Trung Quốc.
TikTok cho rằng đây là chiêu trò chính trị của mình và làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của trường học.
Sự phản đối còn dâng cao khi Buzzfeed tiết lộ Trung Quốc đã truy cập vào dữ liệu của một số người dùng Mỹ hồi tháng 6. “Mọi thứ đều được giám sát từ Trung Quốc,” một thành viên của bộ phận An toàn và Tin cậy của TikTok cho biết trong một cuộc họp vào tháng 9/2021.
Sau đó, CEO TikTok cho biết một số nhân viên công ty có thể truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ, nhưng khẳng định họ không chia sẻ cho chúng chính phủ Trung Quốc.
Nói về vấn đề này, đại diện Jamal Brown của TikTok nói rằng họ rất thất vọng khi nhiều bang ở Mỹ lại hùa nhau công bố những đạo luật cấm mạng xã hội dựa trên những thông tin thiếu xác đáng về TikTok và không hề cải thiện an ninh mạng của khu vực.
“Chúng tôi rất tiếc khi hậu quả của những đạo luật bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng chia sẻ thông tin, tuyển sinh và xây dựng cộng đồng, nhóm học tập… tại các trường đại học”, ông Jamal Brown chia sẻ.
Theo nguồn sưu tầm.

Nhận tin tức mới nhất về An ninh mạng vào hộp thư của bạn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây