Chính một quản lý mảng marketing của Google cũng nhận xét chế độ ẩn danh trên Google Chrome không hoạt động đúng như tên gọi của nó.
Google bị kiện vì lừa dối người dùng, không che giấu danh tính trong chế độ ẩn danh như cam kết.
Chế độ Incognito (ẩn danh) là một trong những tính năng được sử dụng nhiều nhất trên Google Chrome, vì người dùng tin rằng nó giúp bảo mật thông tin và che giấu lịch sử mỗi khi duyệt web.
Nhưng trên thực tế, chế độ này không đảm bảo riêng tư như nhiều người nghĩ. Hãng công nghệ đã bị phạt 5 tỷ USD vì sai cam kết với người dùng. Thậm chí, chính một quản lý của Google cũng cho rằng cái tên “Chế độ ẩn danh” chỉ là trò bịp.
Sự mơ hồ của tên gọi “chế độ ẩn danh”
Theo Bloomberg, vào năm ngoái, Lorraine Twohill, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng marketing, đã gửi một email đến CEO Google Sundar Pichai về việc cần thay đổi chế độ ẩn danh trên Google Chrome.
“Chế độ ẩn danh cần ẩn danh đúng như tên gọi của nó”, bà khẳng định. Theo Phó chủ tịch, Google dường như không thể kiếm tiền từ chế độ này vì nó không thực sự bảo mật như hãng cam kết. Việc sử dụng từ “ẩn danh” một cách mơ hồ như vậy sẽ khiến người dùng mất lòng tin vào các dịch vụ của hãng.
Người dùng vẫn có thể bị theo dõi dù sử dụng chế độ ẩn danh.
Email của bà là một trong những bằng chứng, được thu thập sau khi Google bị kiện vì bí mật thu thập dữ liệu ngay cả khi người dùng duyệt ở chế độ ẩn danh vào tháng 3/2021. Vào thời điểm đó, người dùng Google Chrome đã nộp đơn kiện tập thể nhằm tố hãng công nghệ vẫn truy cập vào thông tin cá nhân của họ ngay cả khi tắt tính năng thu thập trong Chrome.
Sau một năm, đến tháng 10 này, đại diện Google sẽ phải trình diện tại tòa để đối mặt với phán quyết phạt chính thức của Tòa án. Cụ thể, phía nguyên đơn đã yêu cầu hãng công nghệ phải bồi thường 1.000 USD/người cho hàng chục triệu người dùng chế độ ẩn danh, gấp 10 lần so với mức ban đầu.
Không chỉ thế, một số tài liệu nội bộ cũng chỉ ra nhân viên của Google từng chỉ trích về cái tên “ẩn danh” và biểu tượng gián điệp (Spy Guy) của chế độ này. “Nếu không nói rõ ràng với người dùng rằng hành vi của họ sẽ được theo dõi để quảng cáo hoặc đề xuất dù sử dụng chế độ ẩn danh, chúng ta sẽ đánh mất lòng tin người dùng”, tài liệu trích dẫn lời một nhân viên.
Họ cho biết 56,3% người được khảo sát tin rằng thông tin của họ sẽ được bảo mật nếu sử dụng chế độ riêng tư trên Chrome. Tuy nhiên, Google lại không làm được điều này. Các nhân viên của công ty khẳng định chế độ Incognito không hoạt động đúng như tên gọi.
“Chúng ta nên ngừng gọi nó là chế độ ẩn danh và sử dụng biểu tượng gián điệp”, một kỹ sư Google nói trong đoạn chat với đồng nghiệp. Một người trong nhóm cũng đồng ý và cho rằng biểu tượng gián điệp đã biến chế độ này thành một trò đùa và không hề riêng tư như tên gọi của nó.
Nhân viên Google còn yêu cầu đổi tên chế độ vì nó không riêng tư như mọi người thường nghĩ.
Có nhân viên còn đề xuất nên đổi dòng chữ xuất hiện trên trình duyệt mỗi khi dùng chế độ ẩn danh từ “Bạn đang được bảo vệ” thành “Bạn không hề được bảo vệ” nhưng đã bị phản bác. Đây chính là những bằng chứng cho thấy Google đã lừa dối người dùng hòng thu thập thông tin của họ, Bloomberg nhận định.
Google trục lợi từ thông tin người dùng
Nhưng đáp lại cáo buộc này, hãng công nghệ khẳng định người dùng hoàn toàn có nhận thức rằng trình duyệt đang theo dõi dữ liệu. “Chế độ ẩn danh giúp người dùng che giấu danh tính khi duyệt web. Chúng tôi đã công bố rõ ràng cách thức hoạt động của tính năng này”, người đại diện Google Jose Castaneda cho biết.
Theo Bloomberg, đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc người dùng kiện Google vì vi phạm điều khoản riêng tư. Hôm 4/10, Google đã phải nộp phạt 85 triệu USD cho chính quyền bang Arizona trước cáo buộc theo dõi người dùng Android bất hợp pháp để quảng cáo. Đơn kiện khẳng định hãng đã thu thập dữ liệu vị trí từ người dùng Android ngay cả khi người dùng tắt cài đặt vị trí của họ.
Google phải nộp phạt 85 triệu USD vì theo dõi trái phép người dùng Android.
Còn với vụ kiện về Chế độ Incognito, những dữ liệu người dùng được thu thập khi người dùng duyệt web ẩn danh vẫn chưa được tiết lộ. Theo Serge Egelman, Giám đốc nghiên cứu dự án bảo mật và quyền riêng tư tại Đại học California, số thông tin này sẽ được dùng để các nhà quảng cáo giám sát hành vi khách hàng và xem cách họ tương tác với các quảng cáo.
Những dữ liệu này cũng giúp họ phân tích đối tượng khách hàng, từ đó làm ra quảng cáo phù hợp, ông bổ sung. Về phía người dùng, họ nói rằng việc Google không minh bạch khai thác dữ liệu như vậy là quá ghê gớm.
Theo nguồn sưu tầm.