BỊ TIN TẶC TẤN CÔNG VÀ ĂN CẮP TỚI HƠN 600 TRIỆU USD, VÌ SAO SKY MAVIS VẪN DỄ DÀNG GỌI VỐN HÀNG TRĂM TRIỆU USD CHỈ SAU 8 NGÀY.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Sky Mavis đã nhanh chóng gọi vốn thành công để trả nợ cho 100% người dùng.
Vụ hack hơn 600 triệu USD vào Sky Mavis diễn ra từ ngày 23/3. Hacker đã tấn công vào Rõ in bridge – cầu nối mạng blockchain Ronin Network và Ethereum. Sau khi lấy được 5/9 node xác thực, hacker thực hiện hai giao dịch trị giá hơn 600 triệu USD. Sky Mavis sau đó đóng Ronin bridge để điều tra, nâng cấp bảo mật. Các sàn giao dịch tiền điện tử lớn đều cam kết cùng Sky Mavis điều tra. Trong khi đó hacker đã bắt đầu dùng “máy trộn” Tornado Cash để tẩu tán dần số tiền đánh cắp được.
8 ngày gọi vốn sau vụ hack lịch sử
Tám ngày sau khi khi công bố bị tin tặc tấn công, Axie Infinity công bố đã gọi vốn thành công 150 triệu USD. Đây là lần đầu tiên một dự án có thể đền 100% tiền cho người dùng sau khi bị tấn công, điều chưa dự án blockchain nào trong quá khứ làm được.
Năm 2021, Sky Mavis đã thành công khi huy động tới 152 triệu USD từ quỹ đầu tư nổi tiếng toàn cầu, nâng định giá của mình lên 3 tỷ USD, nghiễm nhiên bước vào hàng ngũ startup “kỳ lân”. Có giai đoạn, đồng AXS của game này đạt vốn hóa thị trường hơn 8 tỷ USD.
Đánh giá về việc huy động được 150 triệu USD ngay sau vụ hack để đền cho người chơi, Nikkei Asian cho rằng đây là bước đi quan trọng giúp Axie Infinity lấy lại được lòng tin của người dùng.
Ông Đặng Vương Anh, CEO, Co-founder Tamme.Pet, cố vấn blockchain tại NTQ Solution nhận định, Việt Nam trước đây phát triển rất nhiều dự án game lớn, thậm chí có những dự án Top 10 thế giới, nhưng chủ yếu là đứng đằng sau. Năm 2021, sự thành công của game Axie Infinity, do Sky Mavis phát hành, đã góp phần giúp thị trường game blockchain Việt Nam bùng nổ và được chú ý nhiều hơn.
Game Axie Infinity của Sky Mavis
“Tôi nhớ có lần ngồi với một quỹ đầu tư, họ nói rằng trong 100 dự án game blockchain họ tiếp xúc, có 80 dự án đến từ Việt Nam. Từ khi có trend Game Fi (trò chơi kết hợp tài chính), các dự án game blockchain Việt Nam bùng nổ do có sẵn nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm”, ông Vương Anh cho hay.
Tiềm năng của thị trường blockchain cùng sự bùng nổ khi xuất hiện nhiều startup chất lượng trong ngành như Whydah, HeroVerse, Sipher, Etemon… càng làm tăng sức hấp dẫn với các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Năm 2021 ghi nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào startup giải trí, trò chơi đạt kỷ lục, lên tới 175 triệu USD, tăng tới 2.813% so với giai đoạn 2019-2020. Lĩnh vực này cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các ngành được rót vốn đầu tư mạo hiểm (theo thống kê của NIC, Do Ventures và Cento Ventures).
PGS. TS Đinh Ngọc Thạnh, CTO Quỹ đầu tư GFS Ventures, chuyên rót vốn vào startup blockchain cho hay, hiện các công ty startup blockchain tăng “khủng khiếp”. Còn các công ty truyền thống cũng bắt đầu tăng tuyển dụng nhân sự về blockchain. Chẳng hạn, Microsoft, Facebook hay Google bắt đầu có phòng blockchain. Các “ông lớn” ở Việt Nam như FPT, Đất Xanh Group, Vingroup, Viettel… đang bắt đầu tuyển dụng nhân lực blockchain. Điều này cho thấy thị trường blockchain là miền đất hứa dành cho startup.
Bị tin tặc tấn công và ăn cắp tới hơn 600 triệu USD, vì sao Sky Mavis vẫn dễ dàng gọi vốn hàng trăm triệu USD chỉ sau 8 ngày? – Ảnh 2.
5 nhà sáng lập của Sky Mavis
“Lượng vốn đổ vào thị trường blockchain rất lớn. Trên Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ), startup muốn gọi vốn 1-2 tỷ đồng rất trầy trật. Còn trong lĩnh vực blockchain, tôi hiếm thấy dự án nào chỉ nhận vài trăm nghìn USD, hầu hết là vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD”, ông Thạnh cho hay.
Theo Fortune Business Insights, năm 2021, thị trường blockchain (công nghệ chuỗi khối) toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD; dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022 và 163,83 tỷ USD vào năm 2029. Đặc biệt, chuyên trang này còn dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành giai đoạn 2021-2029 lên tới 56,3%. Đây là mức tăng trưởng khủng khiếp so với tất cả các ngành nghề khác.
Theo các chuyên gia, blockchain ngày càng phổ biến vì có thể ứng dụng vào hầu hết các ngành nghề, tạo mô hình sản xuất kinh doanh mới, đem lại sự phát triển đột phá. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm sáng khởi nghiệp blockchain. Đây là cơ hội để startup blockchain hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế.
Nhìn lại ‘’cơn bão’’ khiến CEO 9x bật khóc
Trong thông báo trên Twitter đêm 29/3, Ronin Network cho biết hệ thống có lỗ hổng và bị tấn công. Hacker đã thực hiện hai giao dịch chuyển tiền, tổng cộng 173.600 Ethereum cùng 25,5 triệu USDC. Với giá trị mỗi ETH là 3,4 nghìn USD, số tiền điện tử này tương đương 615 triệu USD.
Trang CoinDesk gọi đây vụ hack lớn nhất trong lịch sử DeFi, với số tiền nhiều hơn cả vụ tấn công mạng Poly Network vào tháng 8 năm ngoái, khi hacker đánh cắp lượng tiền số tương đương 611 triệu USD trước khi trả lại toàn bộ.
Ronin Network là một blockchain phụ, được Sky Mavis xây dựng nhằm phục vụ cho sự phát triển của trò chơi Axie Infinity. Blockchain này giúp khắc phục một số vấn đề của blockchain Ethereum như phí cao và dễ bị nghẽn mạng.
Bị tin tặc tấn công và ăn cắp tới hơn 600 triệu USD, vì sao Sky Mavis vẫn dễ dàng gọi vốn hàng trăm triệu USD chỉ sau 8 ngày? – Ảnh 3.
Đồng RON giảm mạnh sau khi vụ tấn công được công bố, tối 29/3
Trong sự kiện Scale-Up Forum do Endeavor Việt Nam tổ chức ngày 14/4, CEO Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung cho biết: “CTO của công ty gọi điện thông báo về vụ tấn công ngay khi tôi chuẩn bị lên máy bay. Lúc đó rất nhiều cảm xúc hỗn loạn chạy trong đầu, vừa muốn theo dõi diễn biến, cập nhật tin tức để xử lý nhưng không thể làm gì vì máy bay sắp cất cánh.
Tôi buồn bực, tức giận vì sao kẻ trộm lại tham lam thế. Đây không chỉ là câu chuyện của công ty mà còn là của biết bao nhiêu người. Hơn 600 triệu USD bị đánh cắp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, cuộc đời của rất nhiều người chơi, người đầu tư vào game. Nhiều người có thể từ đây mà có những suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực”.
CEO 9x nói anh đã nghĩ mình rất vững vàng khi nhanh chóng bình tĩnh lại sau những suy nghĩ rối ren. Nhưng ngay khi vừa đáp sân bay, về đến nhà nhìn thấy mọi người trong gia đình nhỏ vẫn đang vui vẻ, hạnh phúc còn lòng mình đang buồn thì anh hoàn toàn đổ vỡ. “Nó là cảm giác bất lực, mình không điều chỉnh kịp cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh nên đã bật khóc”, CEO Sky Mavis chia sẻ.
Bị tin tặc tấn công và ăn cắp tới hơn 600 triệu USD, vì sao Sky Mavis vẫn dễ dàng gọi vốn hàng trăm triệu USD chỉ sau 8 ngày? – Ảnh 4.
CEO Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung.
Ngay sau đó, anh và các thành viên liên tục họp, cập nhật tình hình và cùng nhau tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Có rất nhiều phương án được đưa ra nhưng CEO Sky Mavis cho rằng cuối cùng chỉ có hai lựa chọn. Một là làm tiếp, hai là dừng. “Tất cả thành viên của Sky Mavis chưa bao giờ có ý định dừng lại. Bây giờ muốn đi tiếp cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải giữ được uy tín, khắc phục hậu quả và trả lại tiền đã mất cho người dùng“, Trung nói.
CEO 9x cho rằng trong lúc khó khăn, áp lực nhất cũng là lúc học được nhiều nhất. Nhưng bài học này phải trả giá quá đắt nên nếu được lựa chọn, không ai muốn trả giá cho một bài học như vậy. Tuy nhiên cũng từ chính từ sự cố, đội ngũ cũng trưởng thành hơn rất nhiều.
Theo nguồn sưu tầm

Nhận tin tức mới nhất về An ninh mạng vào hộp thư của bạn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây