Nhiều nhóm phát triển tiền số thường sử dụng biệt danh nhưng người dùng cũng đối mặt nguy cơ mất trắng khi đổ tiền vào những dự án này.
Trong nhiều tháng, những người đam mê tiền điện tử đã đổ tổng cộng hàng trăm triệu USD vào dự án Wonderland. Trong sách trắng, dự án tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống trao đổi nhanh chóng và minh bạch ở lĩnh vực tài chính phi tập trung. Những người tham gia – gọi là Frog Nation – sẽ gửi tiền cho người quản lý quỹ của Wonderland, biệt danh 0xSifu.
Đến tháng 11/2021, 0xSifu bị phát hiện chính là Michael Patryn, từng ngồi tù tại Mỹ 18 tháng với tội lừa đảo. Sau thông tin này, token TIME của Wonderland lao dốc từ đỉnh 9.600 USD mỗi đồng vào tháng 11/2021 xuống còn 280 USD tính đến 3/3, tức giảm gần 35 lần.
Token TIME giảm giá mạnh sau thời gian ngắn.
Trên mạng xã hội, những người đổ tiền vào TIME hoảng loạn khi dự án bị đóng cửa. “Ôi trời, chuyện gì đang xảy ra thế này. Tôi đã mất hết số tiền tiết kiệm”, một Frog Nation viết trên Twitter. “Thất vọng tràn trề. Giờ tôi biết làm gì để đòi lại tiền của mình bây giờ”, một người khác tweet.
Với tính chất phi tập trung, đội ngũ phát triển các dự án tiền số, trong đó có cả Bitcoin, yêu thích ẩn danh và sử dụng biệt danh thay vì tên thật. Tuy nhiên, khi tiền điện tử ngày một phổ biến, cũng như sau vụ Wonderland, giới chuyên gia cho rằng người dùng trước khi tham gia phải tính toán xem liệu văn hóa ẩn danh có làm suy yếu trách nhiệm giải trình và tạo điều kiện cho gian lận hay không.
Brian Nguyen, người đã mất gần nửa triệu USD vì trò lừa rút thảm, là nạn nhân tiêu biểu của việc đổ tiền vào nhóm phát triển token ẩn danh. Nhà đầu tư tiền số sống tại Hong Kong này mua token AnubisDAO mà không để ý việc dự án không có website, sách trắng và tất cả các nhà phát triển đều sử dụng biệt danh.
“Các dự án với đội ngũ phát triển dùng biệt danh rất nguy hiểm. Họ có thể là diễn viên giỏi hôm nay, nhưng bạn sẽ cảm thấy tồi tệ trong tương lai”, Nguyen chia sẻ.
Tuy nhiên, một thực tế đang được chấp nhận là các kỹ sư tiền điện tử và các nhà sáng lập công ty về tiền điện tử thích hoạt động ẩn danh. Họ lập luận rằng điều này tạo ra một thị trường bình đẳng hơn. Việc đánh giá đội ngũ đứng sau chỉ cần thông qua sự thu hút của token dự án và lộ trình phát triển.
Amy Wu, Giám đốc cấp cao của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, cho rằng không có vấn đề về giao tiếp với nhà phát triển ẩn danh. Ví dụ, với @BoredElonMusk, tài khoản Twitter với hơn hai triệu lượt theo dõi, Wu không quan tâm đến danh tính thật của người này. “Tôi không biết anh ta là ai, làm ở công ty nào. Nhưng tôi biết anh ấy là một chuyên gia trong ngành”, Wu nói.
Một số công ty về tiền số cho biết, trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, các chuyên gia và kỹ sư tiền điện tử chọn ẩn danh vì sợ liên quan tới pháp luật. Bên cạnh đó, sự giàu có ngày càng tăng có thể khiến họ trở thành mục tiêu của kẻ trộm và hacker.
Tuy vậy, các với trước đây, việc ẩn danh trong giới tiền điện tử hiện nay không còn được hoan nghênh. “Với khả năng ẩn thân, đôi khi, cuối cùng họ trở thành những kẻ lừa đảo”, Jordi Alexander, Giám đốc đầu tư tại công ty giao dịch tiền điện tử Selini Capital, nói.
Hiện các công ty tiền số bắt đầu xu hướng công khai lý lịch nhằm minh bạch thông tin và thu hút đầu tư. Ngoài ra, các dự án nổi tiếng cũng khó khăn hơn trong việc giữ bí mật danh tính, do đó họ chọn công khai trước khi để người dùng tìm tới.
Theo nguồn sưu tầm.