Hacker tìm ra lỗ hổng nghiêm trọng trên xe Tesla.

Nếu lỗ hổng bị khai thác, kẻ xấu có thể điều khiển xe Tesla từ xa bằng Internet, gây nguy hiểm cho người lái.

Trên Twitter, người dùng 19 tuổi tên David Colombo cho biết đã phát hiện lỗ hổng bảo mật trong một ứng dụng bên thứ ba trên xe điện Tesla. Tận dụng kẽ hở này, Colombo có thể điều khiển từ xa một số tính năng của phương tiện.

Thông qua lỗ hổng trong ứng dụng, Colombo có thể mở khóa cửa ra vào và cửa sổ, khởi động xe mà không cần chìa khóa, vô hiệu hóa hệ thống an ninh. Ngoài ra, anh có thể biết tài xế đang có mặt trong xe, kích hoạt hệ thống loa stereo, bật YouTube, bóp còi và nháy đèn pha.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Colombo đã cung cấp ảnh chụp màn hình và các tài liệu nghiên cứu, bao gồm chi tiết lỗ hổng và tên nhà phát triển ứng dụng. Anh yêu cầu không công bố chi tiết lỗ hổng do bản vá lỗi chưa được phát hành.

Bằng cách khai thác lỗ hổng, thanh niên người Đức có thể truy cập hơn 25 xe Tesla tại ít nhất 13 quốc gia. Câu chuyện được Colombo chia sẻ trên Twitter do không thể liên lạc trực tiếp với đa số chủ xe cài ứng dụng chứa lỗ hổng.

Theo Colombo, lỗ hổng bắt nguồn từ dữ liệu nhạy cảm để xe kết nối với ứng dụng không được lưu trữ an toàn. Nếu bị kẻ xấu khai thác, lỗ hổng sẽ gây nguy hiểm cho chủ xe nếu phương tiện bất ngờ bật nhạc với âm lượng lớn, hoặc đóng mở cửa trong lúc chạy với vận tốc cao.

“Điều này không nên xảy ra… Đặc biệt nếu chúng ta phát triển những chiếc xe kết nối Internet và muốn chúng an toàn”, Colombo cho biết.

Đại diện Tesla tại Mỹ và những quốc gia khác chưa đưa ra bình luận. Tương tự nhiều công ty khác, Tesla có chương trình báo lỗi thưởng tiền (bug bounty), nơi các lập trình viên hoặc nhà nghiên cứu bảo mật báo cáo lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm và nhận tiền thưởng. Nếu lỗ hổng ảnh hưởng đến sản phẩm của bên thứ ba, công ty sẽ gửi thông tin với nhà phát triển.

Colombo đã liên lạc với đội ngũ bảo mật của Tesla và công ty phát triển ứng dụng. Theo Fortune, anh cũng là người hâm mộ xe Tesla, đã lập trình từ khi 10 tuổi. Sau khi được chính phủ Đức cho phép đi học 2 ngày/tuần để dành thời gian trau dồi kỹ năng, anh đã thành lập công ty có tên Colombo Technology.

Lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng trên xe Tesla cho thấy rủi ro của xu hướng Internet of Things – mọi thiết bị từ xe hơi đến tủ lạnh đều kết nối Internet. Nếu không được bảo mật chặt chẽ, những thiết bị trên luôn là mục tiêu ưa thích của tin tặc.

“Đừng kết nối những thứ quan trọng với Internet… Nếu phải kết nối, hãy đảm bảo thiết lập chúng một cách an toàn”, Colombo cho biết.

Theo nguồn sưu tầm.

 

Nhận tin tức mới nhất về An ninh mạng vào hộp thư của bạn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây