Nói rõ hơn về cách khai thác lỗ hổng, tin tặc cho biết cần phải gửi một đường link tới nạn nhân thông qua ứng dụng Zalo. “Chỉ cần nạn nhân nhấn vào đường link đó, tài khoản của họ sẽ thuộc về bạn mà không cần phải làm thêm bất kỳ thao tác nào khác”, người bán khẳng định. Nhân vật này cũng cam kết cung cấp mẹo để khi gửi link thì 99% nạn nhân sẽ nhấn vào mà không nghi ngờ gì.
“Lỗ hổng này không để lại bất kỳ dấu vết nào, không cảnh báo… Nạn nhân có thể là bất kỳ ai bạn muốn”, tin tặc cho biết.
Người mua cũng được hứa hẹn cung cấp video bằng chứng quá trình khai thác lỗ hổng bảo mật nói trên thành công trước khi thanh toán cho tin tặc. Phương thức thanh toán duy nhất được chấp nhận là tiền mã hóa.
Cũng giống như nhiều bài rao bán dữ liệu khác được đăng tải trên diễn đàn này, chủ đề của thành viên nói trên được khá nhiều người quan tâm chỉ sau một ngày xuất hiện. Trong số này đã có những người liên hệ và nhận được bằng chứng từ người bán. Tuy nhiên, một thành viên diễn đàn từ năm 2019 lập tức phản hồi rằng quá trình khai thác lỗ hổng đó giống y hệt với lỗi từng được một hacker khác công khai trước đó.
Phản hồi lại yêu cầu công khai bằng chứng, tin tặc khẳng định chỉ bán cách khai thác lỗ hổng, không phải dữ liệu rò rỉ, vì vậy nếu đưa quá nhiều thông tin lên, phía Zalo có thể vá lỗi trước khi khách hàng của người này kịp đạt được mục đích. Lỗ hổng 0-day (Zero day) là những lỗi an ninh của phần mềm mà nhà phát triển chưa phát hiện hoặc bị khai thác khi chưa kịp có phương án khắc phục.
Trong khi chủ đề rao bán vẫn tồn tại và được các thành viên của diễn đàn hacker quan tâm, phía đại diện của Zalo hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về vấn đề này. Ngoài ra, đại diện truyền thông phụ trách Zalo cũng không thể liên lạc được.
Cách nay ít ngày, một doanh nghiệp khác của Việt Nam là Bkav cũng bị tin tặc rao bán mã nguồn phần mềm trên chính diễn đàn này. Đáp lại tuyên bố dữ liệu cũ ít giá trị, không ảnh hưởng tới khách hàng và lời khẳng định tin tặc thực chất là nhân viên cũ lợi dụng thủ thuật để ăn cắp thông tin, hacker đã tung ra nhiều bằng chứng cho thấy khả năng xâm nhập vào hệ thống nội bộ của Bkav và lấy đi những cập nhật mới nhất, kể cả đoạn trao đổi được cho là của ban lãnh đạo tập đoàn về cách xử lý sự cố này.
Phần dữ liệu của Bkav được hacker chia ra làm nhiều gói khác nhau, trong đó các sản phẩm như Bkav Pro, Mobile AV, Endpoint được chào giá từ 10.000 USD tới 30.000 USD, tùy chọn mã nguồn sản phẩm hoặc mã trên máy chủ. Đắt nhất có mã nguồn AI được rao bán 100.000 USD. Tổng giá trị gói dữ liệu là 250.000 USD (hơn 5,7 tỉ đồng). Nếu muốn có thêm quyền truy cập vào dữ liệu, người mua phải trả thêm từ 10.000 USD tới 30.000 USD.
Theo nguồn sưu tầm.