Lỗi bảo mật có thể khiến người dùng phải xem những video giả mạo hoặc nội dung không mong muốn trên TikTok. (Nguồn: Dân trí) |
Sẽ thế nào nếu một ngày bạn truy cập vào TikTok và phát hiện ra một video nào đó được đăng lên tài khoản của mình mà bạn không hề hay biết? Đó là một video với nội dung bất kỳ, có thể là video với nội dung giả mạo hoặc nhạy cảm…
Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra với một lỗ hổng bảo mật vừa được phát hiện trên TikTok, cho phép tin tặc có thể đăng tải video với nội dung bất kỳ lên các tài khoản TikTok, bao gồm cả tài khoản đã có tích xanh (tài khoản được xác nhận “chính chủ” của những người nổi tiếng hoặc các tổ chức, cơ quan của Chính phủ hoặc quốc tế…).
Lỗi bảo mật có thể khiến người dùng phải xem những video giả mạo hoặc nội dung không mong muốn trên TikTok
Hai nhà phát triển ứng dụng Tommy Mysk và Talal Haj Bakry là những người đã phát hiện ra lỗ hổng bảo mật này trên TikTok. Theo đó, TikTok sử dụng mạng phân phối thông tin (CDN – Content Delivery Networks) để giúp truyền tải nội dung đến người dùng của mình trên toàn cầu một cách nhanh chóng hơn.
CDN là một hệ thống máy chủ được đặt khắp nơi trên toàn cầu và có kết nối với nhau, chứa những bản sao nội dung. Khi một người dùng truy cập, họ sẽ được kết nối với máy chủ ở gần nhất để giúp tải nội dung được nhanh hơn, đồng thời tránh tình trạng quá tải cho máy chủ trung tâm.
Vấn đề của TikTok là mạng xã hội này sử dụng giao thức HTTP để truyền dữ liệu từ CDN đến thiết bị của người dùng, tuy nhiên, giao thức HTTP lại là giao thức kém bảo mật hơn so với giao thức HTTPS và có thể bị tin tặc tấn công để thay đổi nội dung trong quá trình truyền tải dữ liệu.
“Quá trình định tuyến giữa ứng dụng TikTok và máy chủ CDN của TikTok có thể dễ dàng bị xâm nhập để xem toàn bộ video mà người dùng đã xem, download và lịch sử truy cập ứng dụng của họ”, Mysk và Bakry cho biết. “Các nhà điều hành mạng Wifi công cộng, nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan an ninh có thể dễ dàng thu thập những dữ liệu này mà không mất quá nhiều công sức”.
Vì TikTok sử dụng giao thức HTTP để truyền tải dữ liệu giữa thiết bị người dùng với máy chủ của hãng, hai nhà phát triển nhận ra rằng họ có thể sử dụng hình thức tấn công “man-in-the-middle” để lấy cắp dữ liệu trong quá trình truyền tải và hoán đổi dữ liệu mới vào.
Để chứng minh cho hình thức tấn công này, hai nhà phát triển ứng dụng này đã chèn những video với nội dung giả mạo về đại dịch Covid-19 vào tài khoản TikTok chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với các thông tin như rửa tay quá thường xuyên có thể gây ung thư hay hút thuốc lá có thể tiêu diệt virus corona…
Quá trình thực hiện thử nghiệm vụ tấn công được hai nhà phát triển ứng dụng thực hiện trong một môi trường kín và mô phỏng TikTok, thay vì tấn công thực sự vào tài khoản TikTok của WHO, do vậy người dùng sẽ không nhìn thấy các video với nội dung giả mạo này trên TikTok.
Để thực hiện điều này, hai nhà phát triển ứng dụng đã đánh lừa TikTok và chuyển hướng kết nối của ứng dụng đến máy chủ giả mạo do mình thiết lập, thay vì máy chủ nằm trong hệ thống CDN của TikTok. Điều này sẽ khiến người dùng TikTok xem những nội dung được gửi đến từ máy chủ của hai nhà phát triển ứng dụng này, thay vì máy chủ của TikTok, do vậy họ có thể hiển thị bất kỳ nội dung và video nào mà họ muốn.
May mắn rằng với hình thức tấn công này, chỉ những người dùng TikTok nào bị chuyển hướng kết nối đến máy chủ của tin tặc mới bị ảnh hưởng và những người này mới có thể thấy các video nội dung giả mạo trên TikTok. Tuy nhiên, hình thức tấn công này sẽ gây thiệt hại nặng nếu tin tặc tấn công vào một hệ thống máy chủ DNS lớn, có nhiều người sử dụng và chuyển hướng toàn bộ những người dùng này sang máy chủ giả mạo do tin tặc quản lý.
Tommy Mysk cho biết, hiện chỉ có TikTok sử dụng giao thức HTTP kém bảo mật để truyền tải dữ liệu, trong khi đó các mạng xã hội lớn khác như Facebook, Instagram hay Youtube… đều sử dụng giao thức HTTPS được mã hóa.
“Tôi đã thử kiểm tra, Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Snapchat đều sử dụng giao thức HTTPS để truyền dữ liệu của họ”, Tommy Mysk cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà phát triển ứng dụng Mysk và Bakry phát hiện “vấn đề bất thường” trên TikTok. Trước đây, họ cũng đã phát hiện thấy một lỗi trên TikTok cho phép ứng dụng này theo dõi nội dung trên clipboard (phần bộ nhớ lưu trữ các nội dung người dùng đã copy) của iPhone.
Hồi đầu năm, một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng được tìm thấy trên TikTok, khi hãng bảo mật Check Point cũng đã phát hiện một lỗ hổng bảo mật cho phép hacker chiếm quyền điều khiển tài khoản của mạng xã hội này. TikTok sau đó đã phải vá lại lỗi bảo mật này.
Hiện TikTok đang bị lọt vào “tầm ngắm” tại nhiều quốc gia với những lo ngại lấy cắp thông tin người dùng và gián điệp. Để lấy lòng tin của người dùng, Bytedance, “cha đẻ” của TikTok đang tìm cách để “từ bỏ gốc gác” Trung Quốc của mình bằng cách chuyển các hoạt động của công ty ra nước ngoài.